Từng coi việc đáp ứng nhu cầu của chồng là nghĩa vụ, chị Hương, đã bao lần trở thành nạn nhân bạo lực gia đình, cũng như bạo lực tình dục. Sau đêm tân hôn ác mộng, chị không thể dậy khỏi giường, liền bị nhà chồng mắng "lười và chảnh", trong khi đó người chồng - từng ngon ngọt, chiều chuộng thời yêu - nay phớt lờ sự đau đớn của vợ. Những ngày sau nếu không được đáp ứng, chồng chửi rủa, đuổi chị khỏi nhà.
Khi báo với chính quyền phường, chị Hường bị trách: "Mới kết hôn đã không cho chồng quan hệ, nếu là anh, anh cũng không chịu được". Người này quay sang chồng chị, nói tiếp: "Lấy vợ kiểu gì mà nó không cho ngủ với". Sau lần đó, chị Hường tiếp tục chịu đựng bạo lực tình dục cho đến khi biết được Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển).
"Anh ấy đối xử với tôi như người phạm tội. Chẳng thà tôi bị đánh đập còn hơn bị anh ta dày vò hàng đêm", chị Hường chia sẻ khi được tư vấn tại đây
Chồng chị càng trở nên bệnh hoạn khi ngày nào cũng kiểm tra quần lót của vợ ngày hai lần - sáng sớm khi đi làm và buổi chiều về - vì nghi vợ ngoại tình. Chị Hường cũng thường xuyên bị chồng bạo hành bằng lời nói và bạo lực, nhiều lần đánh đấm, nhổ nước bọt, nhét giẻ vào miệng đến mức chị ngất đi.
Nhiều phụ nữ Việt đang xem việc "chiều chồng" là nghĩa vụ. Ảnh minh họa: Ottawapolice. |
Trong cuộc khảo sát nhỏ trên 20 phụ nữ trí thức ở Hà Nội về Tình dục và khoái cảm, tiến sĩ Bùi Thu Hương - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận thấy tất cả họ đều cho biết từng trải qua những lần tình dục không mong muốn, dù vậy họ vẫn phải đáp ứng chồng.
"Nếu đồng ý làm chuyện ấy thì ai cũng vui vẻ. Chồng em nhờ gì cũng làm. Còn không thì như mặt trăng với mặt trời". (chia sẻ của Thương, 32 tuổi).
"Em biết ngay là ngày nào không chiều anh ấy là anh ấy dỗi, không thèm nói chuyện với em. Ngược lại nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, anh ấy rửa bát quét nhà việc gì cũng làm tất". (chia sẻ của chị Bình, 29 tuổi).
"Tôi nằm đó nhắm mắt lại, để cho anh ta làm những gì anh ta muốn. Tôi thầm cầu mong cho anh ta kết thúc càng sớm càng tốt". (Loan, TPHCM chia sẻ trong nghiên cứu của UNFPA)...
Tiến sĩ Thu Hương cho rằng, trong nghiên cứu của bà, các chị em phụ nữ đang tồn tại quan niệm "Phụ nữ ngoan thì nên nói 'có' và muốn gia đình hạnh phúc thì phải chiều chồng". Ngay chính họ dù bị chồng ép quan hệ, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần nhưng khi nói đây là bạo lực tình dục họ lại lảng tránh.
Thậm chí, có những phụ nữ còn tự hào vì giỏi chịu đựng bạo lực. Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, Sức khỏe và Dân số - chia sẻ về trường hợp một người phụ nữ bị chồng bạo hành thể xác lẫn tình dục trong hơn 20 năm, nhưng nghịch lý là khi kể ra, mắt chị lại sáng lên vẻ tự hào.
"Chị ấy tự hào khi được hàng xóm ca ngợi, gia đình chồng tôn trọng về khả năng chịu đựng của mình. Chị ấy cho rằng mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều phụ nữ không bị bạo hành khác, bởi trong tình huống nào chị vẫn giữ được gia đình yên ấm", tiến sĩ Tú Anh chia sẻ.
Đây là một thực tế khiến vấn nạn bạo lực tình dục đang là "một vết nứt ngầm dưới gầm giường" và những phụ nữ là nạn nhân lại bị quy kết thành "tội nhân".
Theo nghiên cứu mẫu đại diện quốc gia, số liệu của Tổng cục thống kê năm 2010 và của Viện nghiên cứu phát triển xã hội năm 2016 cho thấy có 4 - 13,35% phụ nữ đã kết hôn có trải nghiệm tình dục không mong muốn với chồng trong 12 tháng trước khảo sát. Tuy nhiên theo tiến sĩ Tú Anh đây chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm.
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới những nghịch lý này, các chuyên gia đều cho rằng bất bình đẳng giới là cốt lõi vấn đề.
"Một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn đang tôn vinh sự hy sinh thờ chồng nuôi con, trọng nam khinh nữ hay xem tình dục là chuyện riêng tư... khiến bạo lực tình dục trầm trọng hơn", tiến sĩ Phan Thu Hiền, chuyên gia giới của UNFPA tại Việt Nam phát biểu. Theo vị này, phụ nữ gặp khó khăn hơn khi tiết lộ bị bạo lực tình dục so với bạo lực thể xác. Tương tự như vậy, mọi người cũng cho rằng bạo lực tình dục không phải là một chủ đề phù hợp trong bối cảnh hôn nhân.
Thêm vào đó, quy chế pháp luật, thái độ bàng quan, thiếu cách thức xử lý của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng.
"Trong thực tế hoạt động, chúng tôi từng gặp nhiều tình huống cán bộ cơ sở thắc mắc 'Chồng bạo hành vợ thể xác còn biết được, chứ ép buộc tình dục thì biết làm sao'. Bởi hiện nay pháp luật mới chỉ xem xét tổn hại thể chất là bằng chứng, còn chưa có đánh giá về tinh thần, dù không phải không có cách áp dụng", tiến sĩ Tú Anh cho biết thêm.
Phan Dương
* Tên nhân vật đã thay đổi
XEM THÊM http://ift.tt/2eFKc3W
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét