Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

'Cột mốc' Trường Sa, đảo Gạc Ma trên đỉnh Trường Sơn

Thứ bảy, 28/1/2017 | 03:01 GMT+7

|

Thứ bảy, 28/1/2017 | 03:01 GMT+7

Trường tiểu học Hướng Phùng (Quảng Trị) dựng nhiều mô hình như cột mốc Trường Sa, đảo Gạc Ma, nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều… để tạo ra những tiết ngoại khoá sinh động, lôi cuốn học sinh.

Xã biên giới, miền núi Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) nằm trên đỉnh Trường Sơn, cách trung tâm tỉnh lỵ đến 100 km. Ở vùng hẻo lánh, thầy cô giáo trường tiểu học Hướng Phùng đã sáng tạo nhiều mô hình dạy học độc đáo, lôi cuốn học sinh.

Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng kể, tháng 5/2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, thầy và trò trường Hướng Phùng đã tổ chức mít tinh phản đối. Sau buổi lễ, thầy Trọng nảy ra ý tưởng dựng bản đồ Việt Nam bằng đá cuội để học sinh hiểu rõ vị trí địa lý biển đảo đất nước.

Mô hình bản đồ lớn được giáo viên xếp từ đá cuội trên nền đất sân trường, với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Với mô hình này, giáo viên cùng các lớp học đã chủ động thực hiện các buổi ngoại khoá bổ ích, lôi cuốn, giúp các em khắc sâu được vị trí địa lý các tỉnh, thành phố, các đảo, cũng như giáo dục tình yêu quê hương cho các em.

Từ đá cuội, bức tranh Thánh Gióng, nhà sàn Hồ Chí Minh được hình thành bởi các giáo viên mỹ thuật cùng thầy cô giáo của trường.

Tại sân chính của nhà trường có mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, với đầy đủ chi tiết kinh độ, vĩ độ. Mới đây nhất, các giáo viên hoàn thành mô hình 64 chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma.

Mô hình đảo Gạc Ma gắn liền với một tuabin nước, qua đó nhấn mạnh ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên, tiết kiệm nguồn năng lượng như điện, nước.

Trường còn dựng mô hình địa đạo Vịnh Mốc để giới thiệu quá trình đấu tranh của quân dân Quảng Trị. Địa đạo gồm 2 cửa số 3 và 13, với các gian sinh hoạt và trú ẩn, cùng một số hiện vật như đèn dầu, mâm gỗ mít, xoong gò bằng vỏ đạn pháo… Những hiện vật này được một giáo viên quê Vĩnh Linh trực tiếp vận động bà con ở quê hiến tặng.

Ngoài tranh đá cuội, nhà trường cũng dựng nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều, Pakô. Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng giới thiệu ngôi nhà này dựng nguyên bản với tranh tre, nứa lá, do 7 người thợ bản địa dựng trong tháng rưỡi. Bên trong nhà sàn trưng bày 40 hiện vật của người bản địa. Hàng tuần, mỗi lớp đều có tiết học bên trong nhà sàn.

Qua ngôi nhà sàn, Ban giám hiệu muốn bày tỏ tình cảm đối với con người Vân Kiều, Pa Kô, đồng thời giáo dục cho học sinh về ý thức văn hoá các dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Vào các tiết ngoại khoá, giáo viên thường dẫn học sinh ra nhà sàn, xem các mô hình và kể chuyện về văn hoá, truyền thống và lịch sử dựng nước, giữ nước.

Các mô hình dạy học dựng hài hòa, tạo thành câu chuyện thống nhất, xuyên suốt lịch sử Việt Nam. Hoàng Minh Thắng, học sinh lớp 2 bộc bạch rất thích thú khi tham gia các tiết học ngoại khóa.

Cô giáo Hồ Thị Hoa Thị cho hay các mô hình nhằm giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử địa phương và Việt Nam. “Các tiết ngoại khoá giúp các em học tốt hơn, hứng thú và có thêm kỹ năng sống”, cô Thị cho hay.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng thông tin các mô hình xây dựng từ sự đóng góp, hỗ trợ từ nhiều nguồn qua mạng xã hội và trang web nhà trường. 

Trường Hướng Phùng còn có nhiều đổi mới trong dạy và học. Các trò chơi dân gian, tiết mục văn nghệ, các buổi giao lưu tiếng Anh, giới thiệu sách… luôn lôi cuốn học sinh.

Toàn trường có 620 học sinh với 2/3 là người thiểu số Vân Kiều, Pakô nhưng chất lượng khá cao, học sinh luôn mạnh dạn, tự tin trong học tập cũng như trong các hoạt động giáo dục.


Mô hình dạy học mới ở trường tiểu học Hướng Phùng.

Hoàng Táo



XEM THÊM http://ift.tt/2eFKc3W

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét